Phaät Giaùo laø giaùo duïc chöù khoâng phaûi laø Toân Giaùo.
Giaùo duïc Thaùnh Hieàn, neàn giaùo duïc töông öng vôùi taùnh ñöùc

daoduc.vn

MẤY ĐIỆU SEN THANH - TẬP MƯỜI TÁM - CƯ SĨ PHẠM NGƯƠN LỄ

MẤY ĐIỆU SEN THANH

Giảng giải: Cư Sĩ Bành Tế Thanh
 

TẬP MƯỜI TÁM

CƯ SĨ PHẠM NGƯƠN LỄ
 

Cư sĩ Phạm Ngươn Lễ tự Dụng Hòa, người đời Thanh, quê ở Tiền Đường. Thuở niên thiếu ông học Nho, tâm hạnh thành thật, thờ song thân rất có hiếu.

Một độ, người cha đau, ông cắt thịt bắp vế sắc hòa với thuốc đem dâng, bệnh được lành. Mẹ là Dư thị ốm nặng, ông lại làm như thế một lần nữa, bệnh cũng thuyên giảm.

Không bao lâu, song thân đều quá vãng, vợ cũng kế tiếp mãn phần. Bấy giờ đang lúc tráng niên. Luôn cảm khái cuộc thế vô thường, dẹp bỏ duyên trần, theo nhà dưỡng chân tu học Đạo Tiên.

Trải hơn mười năm như thế, công phu đã có đôi phần hiệu nghiệm. Sau nhân đọc sách của Ngài Vân Thê xin thọ tam quy ngũ giới. Luôn giữ giới hạnh rất bền chắc, những thứ phục dụng bằng tơ tằm lông thú đều không dùng, bỏ hết lối tu cũ, chuyên về Tịnh Độ. Đối với pháp quán tưởng, cư sĩ lại càng tinh mật.

Trước kia khi thân mẫu sắp lâm chung tinh thần mờ loạn, cư sĩ khuyên chuyên lòng quán tưởng Đức Quán Thế Âm, bà mẹ y lời làm theo.

Vài hôm sau, bỗng nói: Mẹ đã được Bồ Tát tiếp dẫn đến cảnh giới lạ mầu sáng đẹp. Nói xong vui vẻ mà qua đời. Bởi nguyên do đó, luôn rất vui sự hiệu nghiệm của môn quán tưởng. Cư sĩ tánh hiền lành, ưa phóng sanh bố thí giúp đỡ kẻ nghèo khổ hoạn nạn. Khi làm những việc từ thiện, ông rất siêng cần chu đáo, không nài mỏi nhọc.

Gặp Chư Tăng Ni, đều phát tâm tùy sức cúng dường, không bỏ sót. Vì thế đương thời nghe tới tên Ngươn Lễ, hàng Tăng tục đều biết và mến trọng.

Mùa hạ năm Đạo Quang thứ tám, cư sĩ đóng cửa nhập thất nơi Đại Động Các ở Thành Nam, định kỳ hạn trăm ngày niệm Phật. Một hôm đang khi ngồi tịnh, huyền công tu Tiên thuở trước bỗng phát hiện.

Lúc ấy ông cảm thấy thanh khí của Trời đất từ giữa hư không kết thành nhiều làn, liên tiếp đi vào đảnh, mũi, miệng, rồi thẳng xuống đơn điền, cùng với nguơn khí của mình hòa hợp. Bấy giờ thân tâm rất an ổn nhẹ nhàng và điềm lạc không thể thí dụ. Giây phút có một đứa anh nhi cao chừng vài tấc, từ đảnh môn xuất hiện.

Đứa bé ấy bay liệng xung quanh đùa giởn trải một thời gian, rồi do đảnh đầu trở vào. Từ đó về sau, mỗi khi tu đến mức cực tĩnh quên trần niệm, liền có anh nhi ra vào như trước.

Ban sơ Ngươn Lễ tâm ý rất mừng, sau đó chợt nghĩ: Đây có phải là một trong năm mươi thứ ấm ma của Kinh Lăng Nghiêm nói chăng?

Nếu ta cho là kỳ đặc, tất sẽ lạc vào bầy tà.

Vả lại người niệm Phật chí ở Tây Phương, thánh cảnh không hiện, lại chuộng thứ này để làm gì?

Do đó thường thường giác chiếu giữ chánh niệm, anh nhi mới không còn xuất hiện. Nhờ duyên này, cư sĩ mới khế ngộ sâu lý duy tâm, sức tín nguyện hạnh càng thêm thuần chắc.

Về sau ông thường bảo người rằng: Cảnh giới ấy là cửa ải nguy hiểm nhất thuở sanh bình. Nếu tôi không sớm giác tỉnh, tất sẽ lạc vào bàng môn. Thế nên biết sự tu hành cần phải tinh tường dè dặt. Mùa hạ năm Đạo Quang thứ mười một, Ngươn Lễ tĩnh dưỡng nơi Chùa Tịch Chiếu ngoài cửa Thanh Thái địa phương này có bà họ Trầm lòa cả đôi mắt. Bà có chí niệm Phật, song bị con dâu thường ngăn trở.

Cư sĩ nghe biết, liền bảo: Việc này có thể dàn xếp ổn thỏa. Hành động của cô dâu kia là do vì gia cảnh nghèo thiếu, nếu giúp cho sự sống tất mọi việc đều yên. Nói đoạn ông vào thành quyên mộ, nhờ người giúp cho Trầm bà mỗi tháng vài đấu gạo. Bà dùng có dư chuyển giao cho người dâu, nên cô này hoan hỷ không còn ngăn trở nữa. Ngươn Lễ lại dịn nói sự lợi ích về niệm Phật cho nghe, và dạy bảo cách sám hối phát nguyện.

Mấy tháng sau, một người hàng xóm của Trầm thị tới nói với cư sĩ: Bà lão niệm Phật hôm trước, nay đã vãng sanh rồi.

Ngươn Lễ hỏi nguyên do, người ấy thuật lại từ việc: Sau khi được sư giúp đỡ, bà lão siêng năng niệm Phật thế nào?

Sám hối phát nguyện ra sao?

Đến tháng vừa rồi, Trầm thị biết trước ngày về Tây Phương, bảo cho cô dâu hay. Tới kỳ hạn, bà tắm gội thay y phục, ngồi chấp tay niệm Phật mà vãng sanh. Trầm bà di chúc cho cô dâu nhờ chuyển lời tạ ơn Phạm Công. Hiện thời bà vừa mãn phần chưa có quan quách và đồ tẩn liệm. Cô dâu định bán đứa con gái lo sắm về việc ấy.

Bây giờ phải làm thế nào?

Ngươn Lễ nghe nói, liền bàn với các thiện hữu, góp chung được một số tiền, giao cho người hàng xóm đem đến giúp cô dâu. Hơn tuần sau, ông lại tới nhà hỏi thăm. Đến nơi thì người dâu tay đang cầm tràng chuỗi, miệng lâm râm niệm Phật. Thấy cư sĩ đến, cô vui mừng đón rước kính lời tạ ơn.

Vừa ngồi xong, những người hàng xóm hay tin tề tựu, tranh nhau muốn biết mặt Phạm công. Rồi hết kẻ nọ tới người kia chuyền nhau thuật lại việc của bà họ Trầm, đại khái y như ông hàng xóm đã nói hôm trước.

Họ lại chỉ một cô bé nói: Đây là đứa trẻ đã mang ơn Ngài, khỏi bị đem đi bán.

Hỏi linh cữu của Trầm bà để đâu, cô dâu thưa: Khi mua quan quách tẩn liệm xong, hàng xóm đều bàn luận Phạm Công vốn người ở trong thành, mà còn chịu từ xa làm việc thiện.

Chúng ta là tình lân lý, đâu nên làm khách bàng quan. Do đó tất cả mới chung góp tiền mua đất, đem quan tài của mẹ cháu và luôn linh cữu của chồng cháu đã quàn từ lâu, đồng một ngày đem đi an táng.

Cư sĩ nghe nói vui vẻ ra về. Mùa đông năm ấy, đem những công việc từ thiện của mình làm còn dở dang lo tính toán kết thúc và chuyển giao trách vụ cho một liên hữu khác. Tháng giêng năm sau, cư sĩ đến riêng từng nhà các đồng bạn, ân cần khuyến khích tu hành, dường như kẻ sắp đi xa.

Người con trai của cư sĩ có việc đến miền Tòng Giang, ông bảo: Con đi ra ngoài, mọi việc nên khéo xử sự. Cha nay tuổi già, thảng có điều chi biến cố, cũng chớ nên Kinh lo. Phải giữ bổn phận mình đối với trách vụ của người giao phó. Nghe nói, cậu trai tuy hiểu biết, song chỉ cho đó là lời quá lo xa của người lớn tuổi mà thôi.

Đến ngày hai mươi bốn tháng giêng, Ngươn Lễ thức dậy sớm bảo gia nhân rằng: Hôm nay ta thấy trong người hơi mỏi nhọc. Nói đoạn, vẫn dùng cháo sáng như thường. Ăn xong, cư sĩ đi tản bộ đến trước nhà gần bên đứng bàng hoàng một khắc, rồi trở về ngồi ngay thẳng nơi giường niệm Phật.

Con cháu trong nhà thấy hơi lạ hỏi thăm, ông khoác tay ra dấu bảo im lặng. Đến giờ Ngọ, tiếng niệm nhỏ lần rồi an ổn mà qua đời. Giờ Dậu ngày hôm sau nhập liệm, đảnh đầu hãy còn nóng. Bấy giờ nhằm năm Đạo Quang thứ mười hai, cư sĩ hưởng thọ sáu mươi ba tuổi.

Lời Bình: Xem cách thức Dụng Hòa lo kết liu mọi việc, từ biệt bạn, dặn dò con, chẳng thể gọi là không dự biết trước kỳ lâm chung.

Nhưng tại sao ông lại không nói ra minh bạch?

Theo thiển ý, sự biết trước ngày giờ quí ở chỗ tự biết để cho tâm được yên vững, không chủ đích nơi phô trương với mọi người. Huống chi nếu giờ mà bạn lành đều họp, hoặc ra có sự lợi ích trợ đạo.

Thảng như quyến thuộc không nén được thế tình, vây quanh ngậm ngùi thương khóc, há chẳng phải muốn thành mà trở lại bại ư?

Việc cư sĩ Dụng Hòa không nói ra, tất cũng bởi lý do đó.

***