Phaät Giaùo laø giaùo duïc chöù khoâng phaûi laø Toân Giaùo.
Giaùo duïc Thaùnh Hieàn, neàn giaùo duïc töông öng vôùi taùnh ñöùc

daoduc.vn

PHẢI CỨU VÃN NGUY CƠ CỦA THẾ GIỚI

PHẢI CỨU VÃN NGUY CƠ

CỦA THẾ GIỚI

Giảng giải: Hòa Thượng Tuyên Hóa
 

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu một vấn đề lớn, nhưng vấn đề gì cũng không ngoài phạm vi bốn chữ thiện ác nhân quả. Thiện sẽ thắng, ác sẽ bại, đó là luật nhân quả.

Người ta thường nói: Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Cũng vì lẽ đó mà Thế giới của chúng ta mới không bị hủy diệt. Nếu quả có lý ngược lại, nghĩa là thiện thì bại, ác thì thắng, thì chẳng còn thiên lý nữa, mà không còn thiên lý, thì Thế giới đã bị hủy diệt, tức là đã có ngày tận thế.

Làm sao để Thế giới không bị hủy diệt?

Phải cải thiện nhân tâm. Lòng người hướng thiện thì ánh sáng sẽ chiếu khắp Thế giới. Ánh sáng là trí huệ, mà người có trí huệ, là người có tâm chánh, mọi điều họ tạo tác, họ hành động đều chánh đại quang minh, không có tư tâm vị kỷ.

Tâm tưởng đều nhất loạt hướng tới hạnh phúc của nhân loại, không hề phân biệt, chủng tộc này, quốc gia kia, thiên hạ đều gom lại một nhà của đại đồng Thế giới.

Nay thì lòng người khác xưa, phần đông đều ích kỷ, tự lợi, chỉ tranh đua quyền lợi cho riêng mình mà hy sinh hạnh phúc của tập thể, cho nên Thế giới mỗi ngày một đen tối, mỗi ngày một ngu si, mỗi ngày một thêm nguy hiểm. 

Ngày hủy diệt như đã gần kề, chỉ trong đường tơ kẽ tóc, mà nếu không tìm biện pháp cứu vãn, thì tất cả đều chung một số phận, chẳng ai còn một cơ may sống sót.

Nhưng làm sao cứu vãn đây?

Kinh có dạy: Các điều ác chẳng làm, các điều thiện phụng hành. Ai ai cũng hướng thiện, không hướng tới ác, trên từ vị nguyên thủ, dưới tới tận trăm họ, mọi người đều lấy trí huệ làm ánh sáng để xua đuổi ngu si và hắc ám. Nếu được như vậy thì bộ mặt Thế giới sẽ đổi từ âm qua dương, và chiến tranh sẽ biến thành hòa bình.

Nay chúng ta đương sống trong cảnh đêm dài dằng dặc, sống và chết trong cảnh mộng say. Bởi đêm dằng dặc mới thấy cần ánh sáng. Vì tối tăm nên lòng người ưu uất sầu muộn.

Trong bầu ánh sáng, nhân tâm sẽ hoan hỷ. Hắc ám và quang minh chỉ tại lòng người thiện ác. Hủy diệt Thế giới là ở nhân tâm, mà sáng tạo Thế giới cũng ở tại nhân tâm. Chúng ta là người học Pháp Phật, chính là trừ bỏ vọng tâm tìm Chân Tâm, cho nên Phật Pháp chính là lá bùa cứu vãn Thế giới, cái gương quý cải thiện nhân tâm.

Phàm chuyện đời cái gì có lợi thì ắt có cái tệ hại. Tỷ dụ như cái máy truyền hình, nó có thể cho ta biết chuyện lớn trong nước và các diễn biến quốc tế.

Một câu người ta hay nói: Tú Tài bất xuất môn, tiện tri thiên hạ sự Tú Tài chẳng ra khỏi cửa mà biết hết cả chuyện thiên hạ. Ðây là dụng ích tốt của máy truyền hình, nhưng nó cũng có khía cạnh xấu.

Con nít coi truyền hình thường bị ảnh hưởng xấu, học lối gian dối, làm những hành vi trái đạo lý, khiến mất hạnh phúc trong gia đình, gây hỗn loạn trong xã hội, thành những thiếu niên bất hảo, đâu đâu cũng gây chuyện thị phi.

Nếu như vậy rồi mai sau những hạng đó ra chấp chánh thì làm sao có hòa bình được?

Ðó là một trong cái hại của máy truyền hình. Như chúng ta lo cho thế hệ sau, lo cho tương lai Thế giới thì nên nghiêm cấm con nít không cho xem truyền hình, hoặc giả tuyệt đối không mua máy truyền hình, đó chính là biện pháp rốt ráo, chặn từ gốc của cái họa tạo điều ác. Thế giới ngày nay đã đi tới giai đoạn mà sự trong sáng đã bị che mờ thành mầu u ám.

Vậy phải làm sao?

Là một thành phần của nhân loại, trước hết chúng ta hãy đem bổn thân mình ra để cố gắng, bài trừ các tập khí của chúng ta, mang hết tâm tham, tâm sân, tâm si ra gạn lọc, lấy bổn thân mình để ảnh hưởng đến người khác.

Tư tưởng cùng hành vi của chính chúng ta phải thật là đúng mức thì sau đó mới khuyên nhủ được mọi người hướng thiện, lấy đó làm khuôn mẫu, nếu không thì chỉ là chuyện nói để chơi, chẳng ích lợi gì.

Kỷ yếu ghi: Ðể cầu nguyện cho hòa bình Thế giới, hai Pháp Sư Hằng Thật và Hằng Triều mang bản thân nếu gương hành động, ba bước một lạy, khuyên người hướng thiện, diệt trừ ba độc, là các tâm tham sân si. Mọi người nếu không có ba tâm độc ấy, thì Thế giới hòa bình, và có hòa bình thì nó sẽ không bị hủy diệt. Ngược lại, nếu có chiến tranh nguyên tử, Thế giới tức bị tiêu diệt.

Phàm người chịu gánh vác việc thiên hạ, đều có tư tưởng thương xót nhân loại. Như Đức Phật Thích Ca năm xưa, khi tu đạo Bồ Tát, Ngài chịu khổ hạnh như vậy.

Tại sao?

Bởi muốn tạo ảnh hưởng trong chúng sanh, khiến chúng sanh y pháp tu hành, mới có thể lìa khỏi khổ được an vui.

Tôi thường nói: Chịu khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu hao phước.

***