Phaät Giaùo laø giaùo duïc chöù khoâng phaûi laø Toân Giaùo.
Giaùo duïc Thaùnh Hieàn, neàn giaùo duïc töông öng vôùi taùnh ñöùc

daoduc.vn

THƠ NHẮC NHỞ NGƯỜI NIỆM PHẬT - TẬP MỘT

THƠ NHẮC NHỞ

NGƯỜI NIỆM PHẬT

Giảng giải: Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ
 

TẬP MỘT
 

Trong các vị Cư Sĩ hữu danh, thạc đức cận đại của Trung Hoa, ngoài những vị như Lý Bỉnh Nam, Vương Bác Khiêm, Hạ Liên Cư, Mai Quang Hy... Cụ Hoàng Niệm Tổ thường được nhắc đến như là một vị Đại Đức Cư Sĩ có công rất lớn trong việc hoằng truyền Tịnh Tông đương đại.

Lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ, Pháp hiệu Long Tôn, ngoại hiệu Tâm Thị, Lạc Sanh, biệt hiệu Lão Niệm, Bất Thối Ông. Cụ Hoàng sanh ngày mồng sáu tháng ba năm Quý Sửu 1930. Cha mất sớm. Mẫu Thân là Cụ bà Mai Thái Phu Nhân một lòng tin tưởng Phật Pháp, lễ kính Tam Bảo, tịnh hạnh tốt vời.

Ông tánh tình thuần hiếu, ngay từ nhỏ đã khác với những đứa trẻ khác: Không thích đùa nghịch, giỡn hớt, có ý thức trách nhiệm cao. Cung cách cư xử, ứng đáp, tiến thoái không gì là không đắc thể, không ai là không khen ngợi, ưa mến.

Ông thường theo mẹ đi Tụng Kinh, nghe pháp. Ông được cậu ruột là Lão Cư Sĩ Mai Quang Hy, một vị Đại Đức trong Tịnh Tông thời ấy, răn dạy, hun đúc nên chí thú siêu quần, tỏ rõ tính cách của một con người túc người túc căn phước đức thâm hậu.

Năm hai mươi tuổi, ông theo học tại Đại Học Công Nghiệp Bắc Kinh. Không những học vấn xuất sắc, ông còn là một tay chơi bóng bàn có hạng, thường tham gia các hoạt động thể thao tại trường.

Lần đầu đọc đến Kinh Kim Cang, ông đã thâm nhập được diệu lý Vô Trụ Sanh Tâm, tâm hồn chấn động lớn lao. Từ đấy trở đi, ông nhiều lượt cảm thấy như được đề hồ quán đảnh, thân tâm trong ngoài thanh lương, nhuận trạch.

Ông cho rằng: Muốn dùng tâm phàm phu mà thấu đạt niệm được cảnh giới ấy, ngoài Niệm Phật hay Trì Chú không còn cách nào khác nữa. Từ đấy về sau, đối với Phật Pháp, ông phát lòng sùng kính sâu xa.

Năm hai mươi hai tuổi 1935, ông làm việc trong ngành khai thác than đá. Có một lần, trong giấc mộng, thấy cả nhà đều rỗng không, tâm chợt trở thành một phiến rỗng rang. Đó là lần khai ngộ đầu tiên.

Trong thời kỳ kháng Nhật, Trung Hoa chìm đắm trong cơn binh hỏa, ông càng thêm tinh thành học Phật, từng quy y với bậc Cao Tăng Đại Đức của Thiền Tông đương đại là Hư Vân Thượng Nhân.

Ông cũng quy y với đệ tử đích truyền của Tổ Sư Nặc Na phái Cổ Mật Hồng Giáo là Thượng Sư Liên Hoa Chánh Giác Vương và quy y Thượng Sư Cống Cát của phái Tây Tạng Bạch Giáo.

Về sau, vào năm một ngàn chín trăm năm mươi chín, ông được truyền thừa ngôi vị Kim Cang A Xà Lê của Liên Hoa Tinh Xá, kế thừa y bát và di chúc của Thượng Sư Liên Hoa Chánh Giác Vương.

Năm ông ba mươi hai tuổi 1940, kháng chiến thắng lợi, ông được Cụ Mai Quang Hy dẫn đến tham học với bậc Thiền Tịnh Đại Đức là Lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư.

Ông thu hoạch lợi ích lớn lao, được Cụ Hạ coi là đệ tử đắc ý. Hạ Đại Sĩ thâm hiểu Nho, Phật cũng như dung hội, quán thông sâu xa tông chỉ của các Tông Thiền, Tịnh, Mật.

Cụ Hạ trước tác rất nhiều, hoằng dương yếu chỉ Tịnh Độ đến chỗ cùng thâm cực vi. Tác phẩm tâm huyết được đánh giá cao nhất của Hạ Lão Sư là công trình hội tập năm bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ mang tựa đề Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, dưới đây sẽ gọi tắt là Đại Kinh.

Cụ Hoàng đích thân nghe Hạ Đại Sĩ giảng Kinh này nhiều lượt, ghi chép tường tận và bản thân mình cũng thâm đắc pháp yếu của cả Thiền lẫn Tịnh. 

Vào thập kỷ một ngàn chín trăm sáu mươi, Cụ soạn một bản Đại Kinh Huyền Nghĩa Đề Cương trình lên Tôn Sư giám định, được Cụ Hạ hoan hỷ hứa khả, giao trọng trách Chú Giải để Hoằng Dương yếu chỉ của Đại Kinh. Cụ Hạ cũng cho phép cụ Hoàng được tùy ý vận dụng kiến giải của mình để phát huy huyền nghĩa của Kinh.

Năm bốn mươi tuổi 1935, Cụ Hoàng làm Giáo Sư tại Đại Học Thiên Tân. Trong thời gian này, Cụ càng ra sức tu hành, tham học Kinh Điển.

Có một ngày nọ, bao nhiêu kiến giải chợt dứt bặt hết. Trình lên Hạ Đại Sĩ giám định, Cụ được Hạ công ấn khả là chân khai ngộ, khen ngợi đã đạt nhất tâm. Kế đó, Thượng Sư Liên Hoa Chánh Giác Vương cũng xác nhận Cụ Hoàng đã khai ngộ không còn ngờ gì nữa.

Trong cơn biến loạn Cách Mạng Văn Hóa ở Hoa Lục, Cụ Hoàng gặp phải nhiều cơn gian nan, thử thách, nhưng không hề biếng trễ việc tu tập.

Càng gian nan, khốn khổ, Cụ càng thêm dũng mãnh tinh tấn, đạt được nhiều lợi ích rộng lớn trên đường đạo, đúng như Cổ Đức răn nhắc: Phải nếm đủ gian nan, khốn khổ mới thành tựu được. Nhiều phen gặp những hoàn cảnh nguy hiểm tưởng chừng phải mất mạng, Cụ Hoàng vẫn an nhiên trì tụng, gác chuyện sống chết sang một bên, hoàn toàn buông bỏ mọi việc, thản nhiên vượt qua hết.

Có một lần gặp phải cơn gió trốt, nhà cửa, đồ đạc chung quanh bị gió cuốn bay mất cả, Cụ Hoàng vẫn an nhiên vô sự, giữ vững chánh niệm.

Mang nặng chí nguyện truyền đăng, hoằng dương yếu chỉ Tịnh Độ nhằm cứu vớt quần sanh để báo ân Phật, ân Thầy, Cụ Hoàng xem khắp các Kinh, Luận, khổ tâm tham học, nghiên cứu, trăn trở suy lường nghĩa lý để rồi từ năm 1979 đến năm 1981, Cụ đóng cửa tạ khách, chuyên tâm Chú Giải Đại Kinh.

Đến năm 1981, bản thảo cuốn một tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Chú Giải được hoàn thành. Năm 1982 hoàn thành bản thảo cuốn hai. Dù bệnh tình đang hồi nghiêm trọng, bi tâm càng thêm thiết tha, Cụ gắng hết sức hoàn thành bản thảo cuốn ba. Cho đến năm 1984, toàn bộ bản thảo được hoàn tất và được ấn hành lưu thông khắp trong ngoài nước kể từ năm một ngàn chín trăm tám mươi bảy.

Bản Chú Giải này thể hiện minh bạch chí nguyện khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến để dẫn dắt quần sanh của Đức Thích Tôn và Chư Phật, rất khế lý, khế cơ, lý sự viên dung, thâm nhập yếu chỉ của Chư Phật, văn từ lưu loát, bóng bảy, nghĩa lý minh bạch khiến cho những ai đọc đến đều được thấm gội pháp vũ, đạt được lợi ích, pháp lạc sâu xa.

Hòa Thượng Tịnh Không cũng đánh giá rất cao tác phẩm này nên đã nhiều lượt đề xướng ấn tống bản Chú Giải ấy để tất cả các Phật Tử thuộc các Chùa viện ở Trung Hoa, Đài Loan và hải ngoại mỗi người đều có được một bản.

Ngoài việc trước thuật, Cụ Hoàng còn tích cực diễn giảng Phật Pháp hoặc giảng dạy pháp môn Tịnh Độ tại các nơi như Trung Quốc Phật Học Viện, hệ thống các Chùa thuộc Cư Sĩ Lâm và đặc biệt là Chùa Quảng Hóa.

Do biện tài vô ngại, Cụ từng được đài phát thanh trung ương ở Bắc Kinh cho phép diễn giảng Phật Pháp hằng tuần trên làn sóng điện. Cụ cũng từng được mời ra ngoại quốc để giảng pháp tại các Niệm Phật Đường của Hòa Thượng Tịnh Không cũng như các hệ thống Niệm Phật Đường, Tự Viện khác.

Đối với Cụ Hoàng, Hòa Thượng Tịnh Không một mực kính trọng, khâm ngưỡng, xưng tụng Cụ là bậc Đại Sĩ Hoằng Dương Tịnh Tông đương đại và nhận mình là kẻ hậu học.

Ngoài tác phẩm Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ, Cụ còn soạn thuật những sách Tịnh Độ Tư Lương, Cốc Hưởng Tập, Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận Giảng Ký, Chú Giải cuốn Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội của Cư Sĩ Bành Thiệu Thăng, Tâm Thanh Lục.

Ngoài ra, còn rất nhiều tác phẩm dang dở như Tịnh Tu Tiệp Yếu Báo Ân Đàm, Luận giải tác phẩm Tịnh Tu Tiệp Yếu của Lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư, Thiền Tịnh Mật Tam Pháp Nhất Vị Luận và Tùy Bút v.v... Tiếc cho chúng sanh phước bạc chẳng thể đọc được những tác phẩm ấy.

Từ năm một ngàn chín trăm tám mươi trở đi, nghĩa là trước khi bắt tay soạn thảo cuốn Chú Giải nói trên, Cụ Hoàng đã vướng nhiều trọng bệnh.

Bác Sĩ nhiều lượt buộc Cụ phải ngưng trước tác, giảng dạy để hữu dưỡng cho đến khi hoàn toàn bình phục. Mang nặng chí nguyện độ sanh, Cụ phớt lờ những lời khuyến cáo ấy, vẫn dốc trọn sức mình trong công cuộc hoằng pháp.

Nhận thấy tứ chúng người Hoa, nhất là hàng tại gia cư sĩ ở hải ngoại, nhiều người thiếu căn bản Hán Học nên chưa thể lãnh hội trọn vẹn ý chỉ Đại Kinh, Cụ bắt đầu trước tác cuốn Đại Kinh Bạch Thoại Giải nhằm giải thích, diễn giải ý nghĩa từng câu Kinh trong Đại Kinh bằng văn ngôn đương đại.

Dù nhiều phen quên ăn, bỏ ngủ để gắng hoàn tất tác phẩm ấy, do lòng từ bi quá mạnh, Cụ vẫn không ngớt tùy cơ thuyết giáo cho những kẻ hữu duyên.

Suốt ngày nhọc nhằn, bận rộn nên đến ngày hai mươi bảy tháng ba năm một ngàn chín trăm chín mươi hai, không gượng nổi nữa, Cụ Hoàng hiện bệnh, vãng sanh. Trước lúc lâm chung, sức tàn không thể nói nổi nữa, Cụ Hoàng bèn mỉm cười an nhiên từ biệt đại chúng, Quy Tây.

Ngày mồng bảy tháng bốn năm một ngàn chín trăm chín mươi hai, đại chúng làm lễ trà tỳ. Di cốt của Hoàng Đại Sĩ trắng nhuận. Lúc bới tro, đại chúng tìm được hơn một trăm viên Xá Lợi ngũ sắc.

Các Chùa Quảng Hóa Tự, Quán Âm Điện và Vãng Sanh Đường mỗi nơi xin cung thỉnh một viên Xá Lợi để tứ chúng chiêm ngưỡng, phụng thờ. Số Xá Lợi còn lại được các Chùa trong và ngoài Trung Hoa tranh nhau cung thỉnh về thờ. Xét về công hạnh, Hoàng Đại Sĩ xứng đáng được tôn xưng là bậc Tôn Sư của Tịnh Tông đương đại.

Dù thâm hiểu Thiền Tông, Mật Tông, bác lãm các điển tịch Mật tạng thuộc cả Đông Mật lẫn Tạng Mật, lại còn được kế thừa Pháp Tọa và y bát của một bậc tôn túc hữu danh, thạc đức trong phái Cổ Mật, Cụ Hoàng vẫn dốc chí nơi Tịnh Nghiệp, trọn đời hoằng dương Tịnh Độ, dùng pháp môn Tịnh Độ tiếp dẫn chúng sanh.

Qua những tác phẩm và những bài thuyết giảng của Cụ Hoàng, bao nhiêu người tỏ ngộ huyền nghĩa viên diệu khế lý, khế cơ của pháp môn trì danh niệm Phật trong thời Mạt Pháp.

Nghe Cụ giảng xong, rất nhiều thính giả đã chuyên Tu Tịnh Nghiệp, thề trọn đời lấy hạnh trì danh làm chánh hạnh, cũng như phát thệ trọn đời trì tụng Đại Kinh. Rất nhiều băng giảng ghi âm những lời pháp nhũ của Hoàng Đại Sĩ cũng như những tác phẩm của Cụ được lưu hành rộng rãi ở Hoa Lục.

Tuy chỉ là một cư sĩ, với chí nguyện độ sanh sâu thẳm, thiết tha, Cụ Hoàng đã khéo vận dụng những sở trường của mình về thế học và Đạo Học khiến cho pháp hóa được tuyên lưu cùng khắp, tăng tục đều được ân triêm lợi ích. Công hoằng dương, giáo hóa ấy nào kém các bậc Cao Tăng hữu đức đương đại.

Viết theo tài liệu của hội Trung Hoa Bảo Điển Hoa Lục.

*